Carl Icahn là ai? Góc nhìn mới từ huyền thoại tài chính Carl Icahn

Trong giới tài chính phố Wall, ngoài những huyền thoại như Warren Buffett hay Larry Fink thì Carl Icahn ghi dấu ấn không chỉ bởi khối tài sản khổng lồ và chiến lược đầu tư sắc bén, mà còn bởi phong cách quyết liệt thậm chí lạnh lùng đến tàn nhẫn. Với Carl Icahn, lợi nhuận luôn là ưu tiên hàng đầu và ông sẵn sàng đưa ra những quyết định cứng rắn ngay cả khi điều đó đẩy doanh nghiệp vào thế khó. Vậy Carl Icahn là ai? Hãy cùng Coin568 khám phá trong bài viết dưới đây nhé.

Carl Icahn là ai?

Carl Icahn là một trong những nhà đầu tư lão luyện nhất trên Phố Wall mà vẫn duy trì vị thế vững chắc suốt nhiều năm. Có thời điểm khối tài sản của ông từng vượt mốc 20 tỷ USD theo thống kê từ Forbes.

Sinh năm 1936, Icahn lớn lên tại Far Rockaway, Queens – một khu vực có điều kiện kinh tế khó khăn ở New York.

“Khu phố có đủ mọi sắc tộc như người da đen, người Ireland, người Do Thái và những con đường đầy thử thách”, ông chia sẻ trong cuốn Takeover: The New Wall Street Warriors (tạm dịch: Những Kẻ Thâu Tóm: Chiến Binh Mới trên Phố Wall) của Moira Johnston.

Carl Icahn là huyền thoại Phố Wall từng có khối tài sản vượt 20 tỷ USD theo Forbes
Carl Icahn là huyền thoại Phố Wall từng có khối tài sản vượt 20 tỷ USD theo Forbes

Năm 2014, Icahn đạt điểm tuyệt đối trên thang đo tự lực của Forbes 400, một bảng xếp hạng đánh giá mức độ tự thân lập nghiệp của các tỷ phú.

Thêm một điều mà ít ai biết được rằng ông đã tự mày mò học Poker và dần trở thành một cao thủ tích lũy lợi nhuận đáng kể. Trong những mùa hè, ông kiếm được khoảng 2.000 USD, một con số tương đương 50.000 USD nếu quy đổi theo giá trị của thập niên 1950.

Hành trình đầu tư của Carl Icahn

Có thể thấy Carl Icahn là một trong những nhà đầu tư nổi tiếng nhất Phố Wall với chiến lược táo bạo và quyết đoán. Ông từng thực hiện nhiều thương vụ thâu tóm gây chấn động, giúp gia tăng đáng kể khối tài sản của mình. Hành trình đầu tư của ông không chỉ mang lại lợi nhuận khổng lồ mà còn định hình cách giới tài chính nhìn nhận về các quỹ đầu tư hoạt động theo chiến lược activist investor.

Bỏ trường Y để tham gia vào thị trường chứng khoán

Dù từng bị giáo viên khuyên không nên mất công nộp đơn vào các trường Ivy League, Icahn vẫn kiên trì theo đuổi. Và kết quả là ông đã được tất cả các trường chấp nhận và cuối cùng chọn theo học ngành Triết học tại Princeton, trước khi chuyển sang Trường Y thuộc Đại học New York. Tuy nhiên chỉ sau hai năm, ông quyết định từ bỏ con đường y khoa vì cảm thấy không phù hợp.

“Một trong những điều tuyệt vời nhất tôi từng làm cho nhân loại chính là không trở thành bác sĩ”, ông từng hài hước nói.

Sau khi xuất ngũ vào năm 1961, Carl Icahn bắt đầu sự nghiệp trong lĩnh vực môi giới chứng khoán, làm việc tại nhiều công ty trước khi tự thành lập Icahn and Company nhờ khoản vay 400.000 USD từ người chú.

Carl Celian Icahn – “Kẻ đột kích” vĩ đại

Dù Icahn bước chân vào Dreyfus khi thị trường chứng khoán đang trên đà tăng trưởng mạnh, nước Mỹ nhanh chóng đối mặt với “cú trượt Kennedy” (Kennedy Slide) vào cuối năm 1961, kéo theo một đợt lao dốc nghiêm trọng.

Kennedy Slide hay còn gọi là “Flash Crash 1962”, đã đánh dấu một trong những đợt điều chỉnh mạnh nhất trên thị trường chứng khoán Mỹ trong thế kỷ 20, kéo dài từ tháng 12/1961 đến tháng 6/1962. Đợt suy thoái này không chỉ gây tổn thất lớn về vốn hóa mà còn thay đổi đáng kể cục diện đầu tư vào thời điểm đó.

Mỹ đối mặt "cú trượt Kennedy" cuối 1961 dẫn đến một đợt lao dốc nghiêm trọng
Mỹ đối mặt “cú trượt Kennedy” cuối 1961 dẫn đến một đợt lao dốc nghiêm trọng

Sau những biến động này, Icahn quyết định điều chỉnh hướng đi sự nghiệp và chuyển sang quản lý danh mục quyền chọn tại Tessel, Patrick & Co. vào năm 1963, sau đó là Gruntal & Co. vào năm 1964. Lĩnh vực quyền chọn vào thời điểm đó vẫn còn là một thị trường ngách với ít sự cạnh tranh khốc liệt như mô hình môi giới truyền thống. Chính điều này đã tạo điều kiện để Icahn phát huy tư duy chiến lược, đi sâu vào các cơ hội giao dịch với độ linh hoạt cao hơn, đồng thời nắm bắt những yếu tố tinh tế hơn trong cơ chế vận hành của thị trường.

Nhận thấy tiềm năng lớn hơn, ông đã quyết định mở rộng quy mô đầu tư. Với sự hậu thuẫn tài chính từ người chú giàu có, Icahn mua một suất tại Sở Giao dịch Chứng khoán New York (NYSE) và thành lập Icahn & Co., một công ty môi giới chuyên về chiến lược quyền chọn và giao dịch chênh lệch giá. Dù hiệu suất hoạt động không được công khai rộng rãi, nhưng đến những năm 1980, giá trị ròng của công ty được ước tính khoảng 100 triệu USD, một con số khiêm tốn so với những gì Icahn sẽ đạt được sau này.

Đến năm 1978, Icahn không chỉ dừng lại ở việc đầu tư vào các thương vụ thâu tóm mà muốn chủ động tạo ra các thương vụ cho riêng mình. Ông bắt đầu bằng việc mua lại một lượng lớn cổ phiếu của Tappan, một công ty gia đình tại Ohio chuyên về sản xuất bếp và thiết bị gia dụng. Sau khi nắm quyền kiểm soát đáng kể, ông tham gia vào một cuộc chiến ủy quyền (proxy fight), đẩy công ty vào thương vụ sáp nhập với nhà sản xuất thiết bị Thụy Điển AB Electrolux. Kết quả là giá cổ phiếu Tappan tăng gấp đôi, mang lại cho Icahn khoản lợi nhuận 2,7 triệu USD.

Với chiến lược M&A sắc bén, Icahn nhanh chóng xây dựng danh tiếng như một trong những “corporate raider” lừng lẫy nhất thập niên 1980.

“Gordon Gekko” ngoài đời thực

Ông liên tục săn tìm các công ty bị định giá thấp, mua cổ phần với tỷ lệ đủ lớn để có tiếng nói trong hội đồng quản trị, sau đó thúc đẩy tái cấu trúc hoặc bán lại với giá cao hơn. Một số thương vụ đáng chú ý của ông bao gồm việc thâu tóm Bayswater Realty & Capital Corporation vào năm 1979, AFC Industries vào năm 1983 và kiếm được khoảng 50 triệu USD từ việc bán cổ phần tại Phillips Petroleum vào năm 1985. Nhờ những hoạt động này, Icahn trở thành hình mẫu thực tế truyền cảm hứng cho nhân vật Gordon Gekko trong bộ phim Wall Street năm 1987.

Icahn săn công ty bị định giá thấp, tái cấu trúc, bán lại và truyền cảm hứng cho Wall Street
Icahn săn công ty bị định giá thấp, tái cấu trúc, bán lại và truyền cảm hứng cho Wall Street

Không phải thương vụ nào của Carl Icahn cũng đại thắng

Tuy nhiên, không phải lúc nào mọi thứ cũng diễn ra suôn sẻ. Trong thương vụ tiếp quản Trans World Airlines (TWA), Icahn đã kỳ vọng có thể xoay chuyển tình hình tài chính của hãng hàng không đang thua lỗ nặng nề. Ông quyết định tư nhân hóa công ty để có quyền kiểm soát chặt chẽ hơn, nhưng ngay cả với chiến lược này thì TWA vẫn tiếp tục lao dốc và cuối cùng tuyên bố phá sản vào năm 1992.

Năm 2004, Icahn huy động 3 tỷ USD để thành lập quỹ phòng hộ Icahn Partners, tiếp tục theo đuổi các thương vụ thâu tóm lớn như Blockbuster Video, Time Warner và Mylan Laboratories. Tuy nhiên, không phải thương vụ nào cũng đem lại thành công.

Bước ngoặt lớn đến vào năm 2008 khi cuộc khủng hoảng tài chính khiến nền kinh tế Mỹ chao đảo. Các quỹ của Icahn ghi nhận mức lỗ hơn 35% và đến năm 2010, ông phải bán phần lớn cổ phần tại Blockbuster với khoản lỗ 180 triệu USD. Đến năm 2011, Icahn quyết định đóng quỹ phòng hộ đối với các nhà đầu tư bên ngoài và tập trung vào việc quản lý tài sản cá nhân.

Icahn trong những năm gần đây của thế kỷ 21

Dù chịu tổn thất nặng nề sau cuộc khủng hoảng tài chính, Icahn vẫn tiếp tục duy trì tầm ảnh hưởng trên thị trường từ năm 2011 đến 2014 và bắt đầu chuyển hướng quan tâm sang lĩnh vực công nghệ. Năm 2012, ông mua vào một lượng lớn cổ phần của Netflix, đồng thời nắm giữ vị thế tại các công ty lớn như Clorox, Apple, eBay và Family Dollar.

Trong giai đoạn này, Icahn tích cực tham gia vào các thương vụ có tính chiến lược, đáng chú ý nhất là việc thúc đẩy eBay tách PayPal thành một công ty độc lập và tạo ra giá trị lớn cho cổ đông. Ông cũng gây áp lực buộc Apple mở rộng chương trình mua lại cổ phiếu vào năm 2015 nhằm tối ưu hóa lợi ích cho nhà đầu tư. Trước khi bước sang tuổi 80, Icahn đã tích lũy được khối tài sản ròng 21 tỷ USD, nhưng đồng thời phải đối mặt với một trong những giai đoạn khó khăn nhất khi quỹ đầu tư của ông thua lỗ liên tiếp ba năm.

Không chỉ dừng lại ở thị trường tài chính, Icahn còn trở thành nhân vật thu hút sự chú ý trong giai đoạn 2015 – 2016 nhờ vào việc công khai ủng hộ Donald Trump trong cuộc tranh cử Tổng thống Mỹ. Ông cho rằng Trump sẽ mang lại tác động tích cực cho nền kinh tế Mỹ thay vì gây ra rủi ro như nhiều người lo ngại. Đáp lại sự ủng hộ này, Trump nhiều lần nhấn mạnh rằng ông cần đến những lời khuyên từ Icahn để thúc đẩy kinh tế Mỹ.

Icahn và Trump có mối quan hệ lâu năm thông qua các giao dịch kinh doanh tại New York và những quan điểm chung về vấn đề điều tiết doanh nghiệp. Cả hai đều cho rằng các quy định quản lý đã bóp nghẹt sự phát triển của doanh nghiệp Mỹ và cần một cách tiếp cận tự do hơn từ Chính phủ Liên bang.

Sau khi Trump nhậm chức, Icahn đảm nhận vai trò Cố vấn Đặc biệt về cải cách quy định, một vị trí không chính thức và không hưởng lương. Tuy nhiên chỉ vài tháng sau, vào tháng 8/2017, ông rời khỏi vai trò này giữa những lo ngại về xung đột lợi ích. Icahn đã bác bỏ các cáo buộc và trong bức thư gửi Trump, ông viết:

“Tôi quyết định kết thúc thỏa thuận này (với sự đồng ý của ông) vì tôi không muốn những tranh cãi đảng phái về vai trò của tôi ảnh hưởng đến chính quyền của ông”.

Carl Celian Icahn - Kẻ thâu tóm cứng rắn nhưng đầy ảnh hưởng
Carl Celian Icahn – Kẻ thâu tóm cứng rắn nhưng đầy ảnh hưởng

Dù gây tranh cãi bởi quan điểm chính trị và phong cách đầu tư quyết liệt, Icahn vẫn được biết đến như một nhà từ thiện có sức ảnh hưởng. Ông đã dành 200 triệu USD quyên góp cho Trường Y khoa Mount Sinai, tài trợ Chương trình Học giả Icahn để thu hút những tài năng khoa học – y khoa hàng đầu thế giới. Bên cạnh đó, ông còn tham gia xây dựng mạng lưới trường bán công và các trung tâm hỗ trợ người vô gia cư tại Bronx, New York.

Với sự hiện diện ngày càng lớn tại Thung lũng Silicon và kế hoạch phá bỏ, cải tạo Trump Plaza ở Atlantic City, Icahn tiếp tục là một nhân vật đặc biệt trên thị trường tài chính, một “nghệ sĩ thâu tóm” chưa bao giờ ngừng tìm kiếm cơ hội.

3 chiến lược “độc lạ” của Carl Icahn dành cho trader trên thị trường chứng khoán

Mua cổ phiếu bị thị trường bỏ quên

Tỷ phú Carl Icahn tin rằng giá thị trường của một cổ phiếu không phải lúc nào cũng phản ánh chính xác tiềm năng tăng trưởng thực sự của doanh nghiệp. Trước khi ra quyết định giao dịch, ông luôn phân tích kỹ càng và đôi khi sẵn sàng xuống tiền mua vào những mã cổ phiếu mà phần lớn nhà đầu tư khác ngó lơ.

Mặc dù cùng theo đuổi chiến lược đầu tư giá trị giống Warren Buffett, nhưng phong cách giao dịch của Icahn khác biệt ở chỗ ông không giữ cổ phiếu theo kiểu dài hạn truyền thống. Thay vào đó, ông sẵn sàng thoát lệnh ngay khi đạt được mức lợi nhuận mong muốn.

“Chúng tôi không hoàn toàn giống nhau. Tôi tìm kiếm những doanh nghiệp đang bị thị trường định giá thấp hơn giá trị thực, chẳng hạn như Southwest Gas, rồi tích lũy vị thế cho đến khi công ty có cú bật mạnh. Đó là cách tiếp cận mà tôi thấy phù hợp với mình”, Icahn chia sẻ về sự khác biệt giữa ông và Buffett.

Không chỉ là một nhà đầu tư, mà còn là người cầm lái

Khác với nhiều nhà đầu tư đơn thuần chỉ mua cổ phiếu và chờ giá lên để bán, Icahn thường chủ động can thiệp vào hoạt động của doanh nghiệp để thúc đẩy giá trị tăng trưởng.

Thay vì chỉ nắm giữ cổ phần, ông tìm cách giành quyền kiểm soát bằng việc tham gia vào ban lãnh đạo công ty. Sau khi có vị thế, Icahn tiến hành tái cấu trúc bộ máy, cắt giảm những phần không hiệu quả và tối ưu hóa vận hành nhằm khai phá những giá trị tiềm năng mà ban lãnh đạo cũ chưa thể phát huy.

Không giao dịch theo đám đông

Theo Icahn, chạy theo những cổ phiếu đang “sốt” hoặc những công ty tăng trưởng quá nhanh chưa chắc đã đảm bảo lợi nhuận bền vững. Khi FOMO theo xu hướng, nhà đầu tư thường mua vào ở mức giá cao và đối diện với rủi ro giảm giá mạnh khi thị trường điều chỉnh.

Thay vào đó, ông khuyên nên tìm kiếm những “viên ngọc ẩn” là các công ty bị thị trường đánh giá thấp hoặc ít được chú ý nhưng có nền tảng vững chắc. Với một chiến lược giao dịch kiên nhẫn, việc sở hữu những cổ phiếu này ở vùng giá hợp lý có thể mang lại lợi nhuận vượt kỳ vọng trong dài hạn.

Carl Icahn và thị trường tiền mã hoá

Năm 2021, Carl Icahn đã bất ngờ hé lộ kế hoạch tham gia vào thị trường crypto với số vốn dự kiến lên đến hơn 1,5 tỷ USD. Điều này khiến không ít nhà đầu tư bất ngờ, bởi trước đó, vào năm 2018, ông từng thẳng thắn bày tỏ quan điểm hoài nghi về tiền mã hoá, thậm chí gọi nó là “lố bịch” và bị thổi phồng quá mức. Khi đó, Icahn cũng từng cho rằng bản thân có thể đã quá già để theo kịp lĩnh vực này.

Tuy nhiên, trong lần chia sẻ sau đó thì ông đã làm rõ hơn quan điểm của mình, nhấn mạnh rằng nếu đầu tư ông sẽ thực hiện một cách bài bản với quy mô lớn, thay vì chỉ mua lẻ tẻ một vài loại tài sản số. Với động thái này, Carl Icahn đã gia nhập danh sách những tỷ phú từng hoài nghi nhưng sau đó thay đổi cách nhìn về crypto.

Carl Icahn khẳng định nếu đầu tư crypto thì ông sẽ làm bài bản với quy mô lớn
Carl Icahn khẳng định nếu đầu tư crypto thì ông sẽ làm bài bản với quy mô lớn

Dù vậy, khi được hỏi về quan điểm đầu tư cụ thể, ông vẫn giữ sự thận trọng, nhấn mạnh rằng: “Phần lớn các đồng tiền mã hoá đang lưu hành hôm nay sẽ không thể tồn tại lâu dài. Tôi muốn nói rõ rằng tôi chưa từng mua bất kỳ đồng crypto nào, nhưng tôi vẫn đang nghiên cứu về nó”.

Xem thêm:

Edward Thorp: Thiên tài toán học đã thay đổi sòng bạc và phố Wall như thế nào?

James Simons: Nhà toán học thiên tài đứng sau quỹ đầu tư lợi nhuận khủng

Những câu nói kinh điển của Carl Icahn

Dưới đây là một số phát ngôn đáng nhớ từ “sói già phố Wall” – Carl Icahn:

  • “Tôi kiếm tiền, đơn giản vậy thôi. Không có gì sai cả. Đó là mục tiêu tôi theo đuổi, lý do tôi có mặt ở thị trường này và cũng là điều tôi đam mê.”
  • “Các CEO thường nhận lương cao để rồi đưa ra những quyết định kém hiệu quả. Nếu hệ thống vận hành trơn tru, những người như tôi đã không có cơ hội kiếm lợi nhuận từ những sai lầm đó.”
  • “Khi phần lớn nhà đầu tư, kể cả các chuyên gia, cùng đồng thuận về một quan điểm nào đó, thì đó thường là lúc thị trường đi theo hướng ngược lại.”
  • “Hoặc anh thay đổi cách vận hành công ty, hoặc tôi sẽ mua lại nó. Nếu hội đồng quản trị không hành động, tôi sẽ làm điều đó thay họ.”
  • “Tôi là một người có tính cạnh tranh cao. Anh có thể gọi đó là đam mê hay ám ảnh, tùy ý. Nhưng một khi đã làm gì, tôi luôn dốc hết sức mình. Đó là bản chất của tôi.”
  • “Bài học trong kinh doanh: Nếu muốn có một người bạn đồng hành trung thành, hãy mua một con chó.”
  • “Tôi xem doanh nghiệp là những tài sản có giá trị thực, trong khi giới phân tích Phố Wall lại chỉ nhìn vào báo cáo lợi nhuận từng quý. Tôi đầu tư vào tài sản và tiềm năng tăng trưởng, còn họ chỉ tập trung vào con số ngắn hạn và vì thế họ thường bỏ lỡ những cơ hội lớn mà tôi nhận ra.”
  • “Nhiều CEO từng gợi ý tôi tổ chức một bữa tiệc nghỉ hưu. Nhưng lớn lên ở Queens, tôi đã quen với việc cạnh tranh. Tôi không có ý định dành phần đời còn lại chỉ để chơi golf ở Florida.”

Bài viết trên giúp các nhà đầu tư hiểu rõ hơn về Carl Icahn là ai, cũng như biết thêm về một huyền thoại trên thị trường tài chính, đồng thời nhìn lại hành trình đầu tư của ông. Hy vọng những chia sẻ này sẽ mang lại góc nhìn mới mẻ và giúp bạn rút ra những bài học quý giá trong chiến lược đầu tư của mình.

Rate this post

Tôi là Phùng Cảnh Lang, với hơn 5 năm kinh nghiệm trong thị trường Crypto, tôi hy vọng những bài viết của mình thật sự hữu ích với bạn. Là một người từng trải, tôi rất mong khi ai đó gia nhập vào thị trường Crypto hãy nên trang bị đầy đủ kiến thức, vì đây là đầu tư không phải một canh bạc may rủi.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *